Lượt xem: 19365

Tư tưởng Hồ Chí Minh vì con người, chăm lo đời sống Nhân dân

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người phải luôn gắn liền với chăm lo đời sống Nhân dân. Đây không chỉ là đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc mà còn là vấn đề giải quyết những lợi ích liên quan đến cuộc sống thường ngày của mỗi người dân như ăn, ở, học hành, đi lại, hưởng thụ văn hóa mới… Người dân chỉ biết đến giá trị của độc lập tự do khi họ có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ tất yếu sau khi đất nước giành được độc lập; là điều kiện củng cố và giữ vững độc lập dân tộc, là nguyên tắc thứ nhất bảo đảm quyền con người. Đây là một trong những bài học lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chăm lo đời sống Nhân dân trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh 

    Cả cuộc đời Bác là cuộc “Hành trình khát vọng”. Đó là khát vọng độc lập tự do cho dân tộc và suốt đời phấn đấu hy sinh vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân. 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường giải phóng cho dân tộc, 36 năm trên cương vị lãnh đạo Đảng, 24 năm liền là người đứng đầu Nhà nước (1945 - 1969), cuộc “Hành trình khát vọng” ấy không phải chỉ thể hiện rõ trên bình diện lý luận mà nó đã trở thành thực tiễn trong suốt cuộc đời của Bác. Người khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận….”[1]. Ngày 14/7/1969, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Macta Rohat của báo Granma (Cuba), Hồ Chí Minh bộc bạch hết tâm can của mình: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi... Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[2]. Đây phải chăng là lời tổng kết cả một cuộc đời Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư của Bác, cả cuộc đời vì dân, vì nước của Bác, và cũng là nỗi niềm trăn trở của Bác trước lúc vĩnh biệt chúng ta.

    Trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân là mục đích của cách mạng phải đạt được, là tâm niệm, ước muốn của Bác: “… Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Bác nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với Nhân dân…”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[3]. Bác mới căn dặn chúng ta là phải luôn thương dân, chăm lo đời sống cho Nhân dân mà cả cuộc đời của Người luôn bằng những hành động thiết thực chăm lo cho đời sống Nhân dân. Trên thế giới này, có một lãnh tụ nào như Hồ Chí Minh, chỉ 24 năm đứng đầu Nhà nước đã có tới 700 lần đến với nông dân, với đồng bào, với cơ sở; từ nông thôn đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa; từ đồng bào nghèo miền núi, rẻo cao đến đồng bào nghèo miền xuôi, đô thị để được gần dân, hiểu dân, lắng nghe Nhân dân, chỉ bảo, bàn bạc với Nhân dân về phát triển kinh tế, chăm lo mọi mặt đời sống cho Nhân dân bằng những hành động cụ thể. Mỗi lần đến với Nhân dân là mỗi lần Bác đã hóa thân với đồng bào mình. Về thăm lại Pác Pó năm 1961, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi”; những ngày cuối đời - nước lũ sông Hồng dâng cao, Trung ương Đảng xin phép đưa Bác đi tránh lũ, Bác bảo: “Không thể bỏ dân mà đi được. Đưa Bác đi, các chú chỉ đưa được mình Bác, còn dân thì sao, trước hết hãy lo cho dân”. Thật đạo nghĩa!.

    Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giành độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân là hai mục tiêu cốt lõi của cách mạng Việt Nam; đồng thời là hai nội dung xuyên suốt, bao trùm, có quan hệ khăng khít và biện chứng với nhau. Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, hạnh phúc, tự do theo Hồ Chí Minh là đem lại cơm no, áo ấm, đời sống của Nhân dân phải đầy đủ về cả vật chất và tinh thần, người dân phải được sống trong một xã hội tiến bộ, công bằng, được hưởng đầy đủ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.. Trong chăm lo đời sống Nhân dân, Bác khuyên đồng bào phải trên tinh thần “giúp đỡ lẫn nhau” và đã trở thành bài học sâu sắc của dân tộc ta, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ đối với Nhân dân. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Bác đã chỉ rõ mục tiêu của Nhà nước: “Một là, làm cho dân có ăn. Hai là, làm cho dân có mặc. Ba là, làm cho dân có chỗ ở. Bốn là, làm cho dân được học hành”. Người khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ[4].


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962

    Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, kể cả tình thế cách mạng khó khăn, thách thức “ngàn cân treo sợi tóc”, việc bảo đảm đời sống của Nhân dân vẫn luôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ “dân cường, nước mới thịnh”, “thực túc thì binh cường”. Ngay từ những ngày đầu Nhà nước mới được thành lập, muôn vàn khó khăn, thách thức, kể cả việc có thể nước mất độc lập, nhưng giặc đói, giặc dốt làm cho ta lầm than, đói khổ, đen tối thì làm sao chống được giặc ngoại xâm, mọi ấm no hạnh phúc chỉ là ảo vọng, viễn vông. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc bấy giờ được Bác đề ra là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa…”; đồng thời Người khởi xướng, khơi dậy truyền thống nhân văn, tương thân, tương ái của dân tộc, động viên mọi tầng lớp tham gia chống giặc đói bằng phong trào “hũ gạo tiết kiệm”. Và người là người đầu tiên thực hiện.

    Trước những giờ phút linh thiêng nhất của đời người khi phải “từ biệt thế giới này”, từ biệt Tổ quốc linh thiêng, từ biệt Nhân dân yêu quý của mình, Bác Hồ của chúng ta vẫn lo, giữ, căn dặn tiết kiệm để lo cho dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân... Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đây chính là chủ nghĩa xã hội, là thể hiện rõ nhất quyền con người, tất cả vì con người theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

    Tại Lễ quốc gia kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019) diễn ra tại Hà Nội ngày 31/8/2019, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xúc động nghẹn ngào khi đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người là biểu tượng là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta”[5].

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, tất cả vì con người được kết tinh từ giá trị truyền thống dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị văn hóa nhân loại và từ cốt cách, đạo đức, phong cách của Người, tất cả được cộng hưởng, góp phần hình thành một nhân cách văn hóa của thời đại, của tương lai; thật vĩ đại, cao thượng nhưng cũng thật khiêm tốn, giải dị, thanh cao; thật sáng tạo, quyết đoán nhưng kiện định, bền bỉ; trọng trách lớn, địa vị cao nhưng vô cùng gần gũi, bao dung. Tất cả được hòa quyện trong con người Hồ Chí Minh, một nhân cách văn hóa lớn của thế giới. Thấu hiểu cuộc đời của Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với con người, tất cả vì con người phải trở thành tinh thần tự giác, một nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành hiện nay trong việc thực hiện quyền con người, tất cả vì con người, chăm lo đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Và cũng là phương thức đấu tranh hiệu quả nhất để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Xuân Định

 

 

 

[1] Báo cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t1.5, tr. 583

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t.7, tr. 572

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t.4, tr. 152

[5] Báo Thanh niên, số 243, ra ngày 31/8/2019



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 112
  • Hôm nay: 5027
  • Trong tuần: 72,347
  • Tất cả: 11,856,536